Đo lường là một trong những lĩnh vực xuất hiện khá sớm và đồng hành cùng sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp. Độ chính xác càng cao càng thể hiện rõ trình độ khoa học kỹ thuật của ngành. Không ngoại lệ, ngành cơ khí cũng nằm trong tiến trình phát triển này. Do vậy, các dụng cụ đo độ chính xác rất được chú trọng và phát triển.
Trong giới hạn bài viết này, máy CNC nhập khẩu sẽ giới thiệu một vài dụng cụ đo cơ khí để bạn tham khảo.
1. Độ chính xác gia công là gì?
Độ chính xác gia công của chi tiết là mức độ giống nhau về kích thước, hình dáng, hình học cũng như vị trí tương quan của chi tiết được gia công so với chi tiết máy trên bản vẽ thiết kế.
Trong thực tế, không thể chế tạo ra được những chi tiết chính xác tuyệt đối. Độ chính xác gia công được đánh giá bằng giá trị sai lệch giữa chi tiết gia công và chi tiết thiết kế.
2. Các cấp độ chính xác gia công
Cấp độ chính xác gia công cơ khí được chia thành 20 cấp độ theo thứ tự giảm dần. Chúng bắt đầu từ 01, 0, 1, 2, 3, 4…. 17, 18. Cụ thể như sau:
- Cấp độ từ 01 đến 1: Cấp độ siêu chính xác.
- Cấp độ từ 1 đến 5: Đây là cấp có độ chính xác cao. Chuyên được sử dụng đối với các chi tiết, dụng cụ đo chính xác.
- Cấp độ 6 đến 11: Đây là cấp có độ chính xác trung bình, thường được sử dụng cho những mối ghép.
- Cấp độ từ 12 đến 18: Cấp độ chính xác thấp thường được sử dụng cho những mối ghép tự do.
3. Các loại dụng cụ đo độ chính xác gia công thông dụng
3.1. Thước cặp
Thước cặp bao gồm các bộ phận: thân thước chính, phụ có khắc vạch chia, hàm kẹp, vít giữ. Thước cặp được chia thành nhiều dải đo khác nhau. Dùng để đo kích thước giới hạn và ngắn như chiều dài, chiều sâu, khoảng cách hay đo đường kính lỗ với độ chính xác giao động từ ± (0,02÷0,05) mm.
Thước cặp
3.2. Thước đo chiều sâu và thước đo chiều cao
Thước đo chiều cao là loại thước có độ chính xác cao. Thường sử dụng để đo chiều dọc của đối tượng hoặc đánh dấu khoảng cách thẳng đứng từ các cơ sở của một đối tượng đo. Thường được sử dụng trong sản xuất, gia công và chế tạo cơ khí. Ở thước đo chiều cao, mỏ động có thể lắp được mũi đo hoặc mũi vật dấu, thước chính được lắp cố định trên một đế gang.
Thước đo chiều cao
Thước đo chiều sâu dùng đo độ sâu của một chi tiết, hay độ sâu của rãnh, bậc ren trong các chi tiết ở động cơ thiết bị cơ khí,…
Thước đo chiều sâu
Cách sử dụng thước đo chiều sâu và thước đo chiều cao cũng tương tự như thước cặp.
3.3. Panme đo ngoài
Panme đo ngoài dùng để đo các kích thước chiều dài, chiều rộng, độ dày, đường kính ngoài của chi tiết với độ chính xác cao, có thể đạt ±(0,005÷0,01)mm.
Người ta còn chế tạo panme có phần thước phụ các vạch nằm ngang trên ống bao thước chính, dùng để đọc trị số phần ngàn mm. Đọc kết quả phần nguyên, và phần thập phân đến hàng chục mm như panme thông thường. Trên tang quay sẽ có một vạch bất kỳ trùng với một vạch nằm ngang trên ống bao. Từ đó đọc được giá trị phần ngàn mm.
Panme đo ngoài
3.4. Panme đo trong
Panme đo trong cùng để đo đường kính lỗ chiều rộng rãnh từ 50mm trở lên. Để mở rộng phạm vi đo, mỗi panme có kèm theo những trục nối có độ dài khác nhau. Cách đọc trị số panme đo trong cũng giống như đo ngoài. Khi panme có lắp thêm trục nối thì kết quả đo bằng trị số đọc trên panme cộng thêm chiều dài trục nối.
Panme đo trong
3.5. Panme đo sâu
Panme đo sâu dùng để đo chiều sâu của rãnh, lỗ bậc hoặc bậc thang. Cấu tạo của panme đo sâu cơ bản cũng giống panme đo ngoài. Chỉ khác thân 1 thay bằng cân ngang có mặt đáy dùng để đo.
Panme đo sâu
3.6. Đồng hồ so
Đồng hồ so được dùng nhiều trong việc kiểm tra sai lệch hình dạng hình học của chi tiết gia công như độ côn, độ cong, độ ô van,… Đồng thời kiểm tra vị trí tương đối giữa các chi tiết lắp ghép với nhau hoặc giữa các mặt trên chi tiết. Bao gồm độ song song, độ vuông góc, độ đảo, độ không đồng trục,…
Đồng hồ so
3.7. Căn mẫu
Căn mẫu là một loại mẫu chuẩn về chiều dài, có độ chính xác cao. Thường được dùng khi kiểm tra các chi tiết, dụng cụ đo chính xác, máy đo, điều chỉnh máy khi gia công các chi tiết chính xác.
Căn mẫu có dạng hình hộp chữ nhật có hai mặt đo phẳng, song song. Kích thước đo của căn mẫu là khoảng cách hai điểm giữa của hai mặt đo.
Khi chọn các miếng căn mẫu để ghép với nhau thành kích thước cần thiết. Cần đảm bảo dùng số căn ít nhất và phải chọn từ những miếng căn có kích thước phần thập phân nhỏ nhất trở đi.
Căn mẫu
3.8. Calip
Calip là loại dụng cụ kiểm tra nhanh trong sản xuất hàng loạt. Cho phép thu nhận các chi tiết có kích thước nằm trong phạm vi dung sai. Và loại bỏ các chi tiết có kích thước nằm ngoài phạm vi dung sai.
Calip được phân thành nhiều loại: Calip đo trong, calip đo ngoài, calip đo côn. Calip đo lỗ gọi là calip nút, calip đo ngoài gọi là calip hàm.
Calip
Việc hiểu rõ về các loại dụng cụ đo độ chính xác gia công không những giúp bạn chọn loại dụng cụ đo phù hợp với từng nhu cầu. Mà còn giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp bạn nhờ việc giảm thiểu được những sai sót gia công.
Nhờ công cụ đo chính xác, doanh nghiệp có thể kiểm soát được chất lượng thành phẩm mang lại uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp và sự tin cậy của khách hàng.